Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Điều chình sự Giận dữ

Vài năm trước, một thành viên Ban giám đốc khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn 2 triệu đôla. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn dầu lửa này.

Vào cái ngày đen tối khi mà tin tức khủng khiếp về sự thiệt hại trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên công ty và các thành viên Ban giám đốc đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.

Chỉ trừ có một người, đó chính là người đã đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford và Bedford đã đến rất đúng giờ. Ông ta đã sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ Rockefeller.

Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn và đang cắm cúi viết lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng không muốn quấy rầy. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.

- À, anh đấy hả, Bedford?- Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin về tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?

Bedford đáp:

- Vâng, tôi đã biết.

- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này - Rockefeller nói - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra tờ giấy này vài dòng.

Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau:

Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã "viết vài dòng" là: "Những ưu điểm của Bedford". Trong tờ giấy đó liệt kê một loạt những đức tính tốt của tôi, kèm theo là mô tả vắn tắt về việc tôi đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn được 3 lần và giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất 2 triệu đô la lần này.

Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể.

Khi tôi viết xong bản danh sách đó thì thường tôi cũng thấy bớt tức giận rồi.

Không biết là thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm tôi có thể có: đó là nổi cáu một cách mù quáng với người khác.

Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi muốn giới thiệu nó cho tất cả các bạn.

Lời nói chẳng động tâm ta


Lời nói chẳng động tâm ta
Dù lời nói ngọt hay là khó nghe

Một lời nói lăng mạ, xỉ nhục chẳng thể nào động đến tâm ta được. Vì sao? Vì ta biết mình là ai, ta biết ưu khuyết điểm của mình. Nếu là lời nói đúng thì hiển nhiên tự ta sẽ cảm thấy xấu hổ với lương tâm mình. Nhưng nếu là lời nói sai thì chẳng thể nào động đến cái tâm thanh thản của ta được.

Giả sử khi ta đi dự tiệc, lúc ra về chủ nhà gói quà biếu tặng ta. Nhưng nếu ta không nhận thì hiển nhiên chủ nhà phải giữ lại món quà đó. Cũng vậy, người đời đôi khi tặng ta lời khen tiếng chê. Nhưng nếu ta không nhận thì họ sẽ vẫn phải “giữ lại” những lời nói đó. Nếu ta không nhận thì những lời nói đó làm sao đi vào tâm ta được. Và ta sẽ vẫn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn.

Chấp nhặt người khác từng câu nói làm gì cho mệt cái tinh thần và thân xác ta ra. Hãy để cho kẻ nói ra những lời chỉ trích, lăng mạ vô căn cứ phải “giữ lại” lời của nó.

Hành động mà không động đến ta thì đã là quá tốt rồi huống chi chỉ là một lời nói. Lời nói thì nhằm nhò gì. Lời nói thì ảnh hưởng gì tới ta. Lời nói nông nổi, lời nói dại dột làm sao động đến tâm ta được.

Nghệ thuật "dập lửa" khi tranh cãi

Kiểu cãi cọ theo hình thức cứ gân cổ lên cho mình là đúng, người khác là sai mà không đi đến biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề, là điều thường thấy ở những cặp bạn trẻ, lứa tuổi mà các nhà tâm lý nhận xét là “hiếu thắng và nông nổi”.
Đấy là nhận định của GS Sybil Carere tại ĐH Washington (Mỹ). Ông lưu ý các bạn trẻ cần nhận ra và tránh những điều sau:

1. Giữ cơn tức giận, rồi bất thần xổ tung ra vào một dịp khác. Nhiều người không “nuốt trôi cục giận” mà găm giữ, “ngâm trong bụng”, còn bề ngoài tỏ ra bình thản, chịu đựng. Hành động kiểu này khiến người kia tưởng rằng họ đã nhận thức được sai trái, hoặc đã “ngậm bò hòn làm ngọt” để giữ hòa khí. Thế nhưng, ngày khác, trong một cuộc cãi cọ kịch liệt nào đó, những “cục giận” sẽ được xổ tung ào ạt, không kiềm chế nổi. Lúc này, câu chuyện trở nên không kiểm soát nổi.

Giải pháp xử lý: Nếu như một trong hai người có khuynh hướng né tránh các cuộc xung đột, hãy lên kế hoạch dành một “lịch” định kỳ để gợi mở lại tất cả những gì đã làm các bạn đau đầu trong thời gian qua.

2. Làm quan tòa kết tội. Đó là trường hợp khi một trong hai người cố né tránh xung đột thì người kia lại xung thiên nộ khí, trở thành quan tòa tra vấn, hạch sách, kết tội.

Giải pháp: Người hay né tránh bằng cách im lặng nên học cách “phát ngôn”. Còn người hay “kết tội” nên thay đổi lối diễn đạt. Ví dụ, thay vì đay nghiến: “Cái tivi chết tiệt đó có cái gì hay ho đâu mà vừa đi làm về đến nhà là ông đã ôm riết lấy nó, bỏ mặc mẹ con tôi sống chết thế nào cũng mặc kệ?”, có thể nói: “Anh ơi, thằng cu Tý nãy giờ cứ ngóng mãi bố về để giảng bài cho nó đấy”.

3. Quá phóng đại sự việc. Luôn trầm trọng hóa vấn đề, phóng đại sự việc khiến đối phương tức giận.

Giải pháp: Nếu giữa lúc cãi nhau mà bạn đưa ra được một câu đùa vui làm cả hai cùng giảm stress thì đừng ngần ngại trong việc chia sẻ nó. Một nụ cười (dù vẫn còn hơi ấm ức trong bụng) sẽ làm tình hình lắng dịu ngay.

4. Phải chiến thắng bằng mọi cách. Khi bạn tập trung mọi nỗ lực để đè bẹp đối tượng và chứng tỏ mình là người chiến thắng, là luôn luôn đúng, bạn đã không đặt mối quan hệ tình cảm của hai người lên hàng đầu.

Giải pháp: Hãy dẹp bỏ cái tôi ra một bên và đặt cái “chúng ta” lên trên hết. Mục tiêu của bạn là phải tìm ra sự thỏa hiệp làm cả hai cùng hài lòng, cùng chiến thắng. Thay vì móc mỉa, phủ nhận lý luận của đối phương, hãy thử khám phá xem cô ấy (anh ấy) suy nghĩ như thế nào, rồi đặt câu hỏi: “Làm cách gì để có một giải pháp mà cả anh và em đều đồng ý?”.

5. Không biểu đạt tình yêu ra ngoài. Dĩ nhiên khó mà biểu hiện được tình yêu trong khi bạn đang lên cơn giận dữ. Nhưng nếu như làm được điều đó, bạn sẽ chứng tỏ được rằng tình yêu của bạn dành cho người yêu hay vợ (chồng) còn mạnh mẽ hơn những chuyện cãi cọ vặt vãnh đó.

Giải pháp: Dùng những từ yêu thương và làm sáng tỏ vấn đề, rằng dù rất giận nhau, nhưng yêu nhau vẫn là điều quan trọng hơn. Sự âu yếm, dỗ dành rất có ích, ngay cả trong cơn nóng giận.

6. Luôn luôn thủ thế. Khi bạn thốt ra những câu đại loại như: “ừ, tôi như vậy đấy, rồi sao?” thì đấy là dấu hiệu cho thấy bạn đã đóng sập cánh cửa giao tiếp đối với người bạn đời.

Giải pháp: Hãy nói, hãy mở rộng cõi lòng nếu một trong hai người có dấu hiệu thủ thế. Hãy để đầu óc thư giãn một chút, thở sâu lấy lại sự cân bằng.

7. Thái độ tàn nhẫn, hằn thù. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nhận được những câu nói đau đớn như nhát dao đâm vào trong tim. Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn ngôn từ mỗi khi mở miệng. Bạn có thể chọn cách xé nát mối quan hệ bằng những ngôn từ độc ác, vô tâm, hoặc có thể nuôi dưỡng, chăm sóc mối quan hệ bằng những từ nghiêm nghị, nhưng tràn đầy tính xây dựng và yêu thương.

Giải pháp: Trước khi bạn sẵn sàng tung ra một chuỗi những từ xấu xa, châm chích, coi thường, hãy tự hỏi bản thân: “Liệu tôi có dám dùng những từ tương tự với bạn thân hay với sếp không? Vậy tại sao chồng (vợ) là những người đầu gối, tay ấp thân thương vô cùng với tôi lại phải chịu sự bất công quá đỗi như vậy?”.

Chiếc thuyền không người lái

Bài sưu tầm
Nguồn: Cái dũng của thánh nhân - Nguyễn Duy Cần
Người sưu tầm: huuhung
Lời giới thiệu:

Nội dung:

Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người lái từ đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận.

Giả sử trên thuyền có người lái, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, chu chéo, một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.

Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, lúc sau lại giận là tại làm sao?

- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.

Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.


Bình luận của Nguyễn Duy Cần:

Tôi thường tự hỏi: “Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận?”. Phần đông sẽ nói: “Vì người đánh ta, nên ta giận."

Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, ta có còn giận người ấy nữa không?

Chắc hẳn là không nếu ta là người biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ.

Cùng một việc xảy đến với ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi ta lại bực tức nóng giận. Tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng? Tôi không thấy tại nơi ngoại vật chỗ nào cả.

Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi.

Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan...

Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái, lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận."

Bạn có biết lắng nghe??

Câu hỏi này có vẻ hơi lạ đối với bạn? Ai mà chẳng biết lắng nghe! Khoan đã, bạn đừng vội bực mình. Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người cần có. Khả năng lắng nghe của bạn có ảnh hưởng rất lớn đến công việc và mối quan hệ với những người chung quanh.

Hãy thử tưởng tượng bạn đang chủ trì một cuộc họp… bạn đang thao thao bất tuyệt, và khi nhìn xuống thì mọi người đang “thả hồn theo mây gió”. Người thì đang viết, người đang thảo luận, vài người đang lắng nghe bạn nhưng họ không có biểu hiện gì là hiểu bạn cả… Khi đó bạn cảm thấy thế nào?
Chúng ta nghe được bao nhiêu phần trăm điều người khác nói?
Chúng ta thường lắng nghe vì những mục đích sau: thu thập thông tin, hiểu được điều người khác muốn nói, giải trí và học hỏi.
Với những mục đích trên, bạn nghĩ khả năng lắng nghe của bạn đã tốt lắm rồi. Nhưng các cuộc nghiên cứu mới đây cho biết người ta chỉ có thể nhớ khoảng 25% đến 50% những gì họ đã nghe. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta nói chuyện với sếp, đồng nghiệp, khách hàng hay thậm chí với vợ chồng của chúng ta trong vòng 10 phút, thì họ chỉ thật sự nghe được từ 1 đến 5 phút là tối đa.
Ngược lại, điều đó cũng có nghĩa là khi bạn nói chuyện với người khác, bạn cũng không nghe hết những gì họ nói. Bạn chỉ có thể nắm bắt được khoảng 25-50% những điều quan trọng đó.
Vì sao nên lắng nghe?
Rõ ràng lắng nghe là một kỹ năng mà nếu cố gắng trau dồi chúng ta sẽ thu được những lợi ích to lớn. Bằng cách trở thành một người lắng nghe tốt, bạn sẽ cải thiện được năng suất làm việc của mình, gây ảnh hưởng, thuyết phục và thương lượng thành công với người khác. Hơn nữa, bạn cũng sẽ tránh được những mâu thuẫn và hiểu nhầm đáng tiếc.
Để biết lắng nghe?
Cách để trở thành một người lắng nghe tốt là bạn thường xuyên thực hành “lắng nghe chủ động”. Để hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này, hãy thử nghĩ xem bạn có còn đủ hào hứng để tiếp tục câu chuyện nữa không khi bạn nghi ngờ người giao tiếp với bạn không chú ý lắng nghe điều bạn đang nói. Rõ ràng đến một lúc nào đó bạn cảm thấy mình đang nói chuyện với một “bức tường” thì bạn sẽ không còn muốn tiếp tục cuộc nói chuyện nữa.
Để làm được điều này bạn phải quan sát người nói. Đừng để bản thân mất tập trung bởi những việc xảy ra chung quanh hoặc bởi những lý lẽ mà bạn cố tìm để đáp trả ngay khi họ nói xong.
Thể hiện rằng bạn đang lắng nghe
Bạn có thể cho người giao tiếp với mình biết rằng bạn đang lắng nghe bằng cách gật gật đầu hoặc đơn giản chỉ nói “ừ, ồ”. Không nhất thiết bạn phải đồng ý với quan điểm của họ, bạn chỉ cần cho họ biết rằng bạn đang lắng nghe họ mà thôi. Hãy sử dụng ngôn ngữ cử chỉ và những dấu hiệu khác để cho họ biết bạn đang lắng nghe.
Bạn cũng nên khéo léo trong việc trả lời, làm sao để câu trả lời của bạn khuyến khích người nói tiếp tục mạch trình bày của họ, nhờ đó bạn sẽ có được thông tin bạn cần. Trong khi việc gật đầu và nói “ừ nhỉ” thể hiện sự quan tâm của bạn đến người nói, thì việc thỉnh thoảng đưa ra một câu hỏi hoặc một lời bình luận để tóm lại những gì họ đang nói cho thấy bạn hiểu rất rõ thông điệp họ muốn đưa ra.
Hãy ý thức tầm quan trọng của lắng nghe, và bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt và lâu dài với mọi người xung quanh. Nếu bạn cảm thấy cực kì khó khăn để tập trung vào những gì người khác đang nói, hãy cố nhẩm lại những gì họ nói – điều này sẽ củng cố thêm thông điệp của họ và giúp bạn kiểm soát được ý nghĩ của mình.
Hy vọng rằng suy nghĩ “Lắng nghe và trả lời là hai việc cỏn con, bẩm sinh con người đã có rồi.” của bạn sẽ không còn sau khi bạn đọc những phân tích trên. Hãy suy ngẫm thêm về vấn đề này bạn nhé!

Thứ năm, ngày 22 tháng bảy năm 2010


Bạn muốn thành một người nói chuyện có duyên?

Trong một bữa cơm tối tại nhà một người bạn làm nghề xuất bản, tôi được gặp một nhà thực vật học có danh. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp một nhà thực vật học và ông ấy nói chuyện nghe muốn mê. Tôi xích lại gần, nghe ông diễn giải về các loài cây cỏ và những chi tiết lạ lùng về một cây rất tầm thường là khoai tây... Ông khuyên tôi nhiều điều rất quý về cách giữ gìn khu vườn nhỏ của tôi.

Trong bữa tiệc đó, có mười hai ông khách nữa mà tôi như không biết có ai hết: tôi phạm hết thảy những điều thường thức về xã giao để nghe trong mấy giờ đồng hồ nhà thực vật học của tôi.

Tới nửa đêm tôi xin phép ra về. Sau này có người cho hay rằng, tôi vừa ra khỏi phòng, nhà thông thái đó quay lại với ông chủ nhà, khen tôi thế này, thế khác và cho rằng câu chuyện tôi rất hứng thú và tôi là một người ăn nói có duyên.

Tôi mà nói chuyện có duyên ư? Nhưng hôm đó tôi có thốt ra nửa lời nào đâu?

Giả thử tôi có nói, thì câu chuyện đã xoay qua một vấn đề nào khác rồi, vì về khoa thảo mộc học, tôi hoàn toàn không biết chút gì hết. Tôi chỉ mê mẩn nghe thôi. Vì những điều ông giảng giải kích thích tôi nhiều lắm. Ông ấy thấy rõ như vậy và điều đó làm cho ông vui là lẽ tự nhiên.

Chăm chú nghe một người nói, khác gì nhiệt liệt khen ngợi họ. Một thi sĩ nói: "Say mê nghe lời của một người, tức là tôn kính họ, mà rất ít người không cảm động trước sự tôn kính đó".

Tôi ngỏ ý muốn được tái ngộ ông và thật tình tôi bây giờ rất muốn được gặp ông lần nữa.

Đó, chỉ vì vậy mà ông khen tôi nói chuyện khéo, sự thật tôi chỉ là một thính giả kiểu mẫu và biết cổ vũ ông nói thôi.

Giá trị của việc lắng nghe

Vào một đêm giáng sinh, một người đàn ông người Mỹ đáp chuyến bay trễ nhất về đoàn tụ với gia đình. Người đàn ông này đang mường tượng cảnh đoàn viên vui vẻ thì bỗng nhiên máy bay chao đảo liên hồi.

Cơ trưởng thông báo với hành khách rằng máy bay bay vào vùng thời tiết xấu và trúng phải một cơn bão lớn, có thể rơi bất cứ lúc nào. Cô tiếp viên mặt trắng bệch ra, giọng run run thông báo hành khách hãy viết di chúc cho vào một chiếc hộp đặc biệt. Nhưng may mắn thay, ngay vào thời khắc nguy hiểm này, với sự bình tĩnh và kinh nghiệm của tổ lái, máy bay đã hạ cánh an toàn.

Về đến nhà, người đàn ông Mỹ này không ngừng kể cho mọi người nghe về tai nạn và may mắn thoát chết. Thế nhưng, hình như không ai quan tâm lắm! Ngay cả vợ và con cũng bận tâm hưởng thụ không khí đêm Giáng sinh.

Trong thoáng chốc anh phát hiện chẳng ai chú ý lời mình nói. Cái câu chuyện thoát chết trong gang tấc của anh và thái độ lạnh nhạt của vợ anh, của mọi người sao cách xa thế! Trong khi vợ chuẩn bị bánh kem thì người đàn ông lên gác và đã tự thắt cổ, để kết thúc sinh mạng quý báu vừa thoát chết trong chuyến bay.

Mọi người trong chúng ta trong lúc buồn, sau lúc vui đều có chung một khát vọng: Được tâm sự và được ai đó lắng nghe mình, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Vâng, nếu như người vợ biết cách lắng nghe thì sẽ không có một kết cục bi thương như thế! Thực ra, “học" được cách lắng nghe không chỉ biểu hiện sự quan tâm thương ái mà còn là “chất dầu" bôi trơn mối quan hệ đôi bên.

Tại sao nghe quan trọng hơn nói

Phần đông mọi người chỉ biết nói chứ không biết nghe, và người thật sự biết nghe lại càng ít. Nghe quan trọng hơn nói, vì người biết nói tạo ấn tượng thông minh trước người khác, còn người biết nghe, tuy không tạo ra sự lóa mắt như người nói, nhưng tạo cảm giác quan tâm, gần gũi, thân thiết với người khác, càng có sức thu hút hơn.

Tâm lý con người rất là kỳ lạ, thích làm người thông minh, nhưng lại không thích làm bạn với người thông minh, mà họ thích tiếp cận với những người biết quan tâm, thân thiết, gần gũi. Vì vậy biết "nghe" nhiều khi quan trọng hơn biết "nói".

Tầm quan trọng của lắng nghe không chỉ dừng lại ở đây. Bác sĩ cần lắng nghe lời của bệnh nhân để hiểu được tình trạng bệnh tật và cho thuốc, ông chủ xí nghiệp cần lắng nghe báo cáo của cấp dưới để đặt định đối sách giải quyết vấn đề. Mọi người đều cần phải lắng nghe để tạo sự liên thông với người khác.

Vấn đề là "thích nói không thích nghe" là một nhược điểm nhân tính của con người.

Bạn chỉ cần để ý các buổi gặp gỡ không chính thức như các buổi liên hoan hay bàn chuyện phiếm, có những người bức bối muốn nói, không kịp chờ đợi người khác, người này vừa nói xong thì lập tức có người vội vã tiếp lời. Thậm chí còn xảy ra hiện tượng nhiều người tranh nhau nói. Qua đó bạn có thể thấy con người thích nói như thế nào!

Người bán hàng nắm rõ nhược điểm nhân tính này nên để cho khách hàng được nói năng thoải mái. Bất luận khách hàng khen ngợi, thuyết minh, bác bỏ, oán thán hay cảnh cáo, trách móc, chửi mắng, người bán hàng đều cẩn thận lắng nghe bày tỏ sự quan tâm và coi trọng. Như thế mới giành được tình cảm của khách hàng và những báo đáp thiện ý. Vì vậy lắng nghe - hết lòng lắng nghe lời của khách hàng, bất luận là người mới vào nghề hay lâu năm là điều cần ghi nhớ suốt đời.

Nhìn từ bên ngoài, những lời nói chủ động của khách hàng và sự lắng nghe bị động của người bán hàng thì tựa như khách hàng đang năm ưu thế tuyệt đối, còn ngưới bán hàng rơi vào thế bị động bất lợi.

Kỳ thực không phải như vậy. Người nghe, tức người bán hàng có lợi hơn khách hàng, tức người nói. Vì sao? Vì với tốc độ nói khoảng 125 từ/1 phút, còn tốc độ tư duy của người nghe thì gấp bốn lần người đang nói, khi người nói còn đang mải suy nghĩ về nội dung nói thì người nghe đã đủ thời gian để mổ xẻ, phân tích, kiểm thảo ý kiến khách hàng, từ đó có sự ứng phó thích hợp.

Vì vậy, người bán hàng biết lắng nghe, thì nhìn bề ngoài như đang thế yếu, nhưng kỳ thực người đó đang ở thế mạnh. Người ta thường nói: "Nói là bạc, im lặng là vàng". Nên đổi câu này thành: "Nói là bạc, lắng nghe là vàng" thì xác đáng hơn.

Biết đặt nỗ lực đúng chỗ

Động cơ của một con tàu lớn bị hỏng. Những ngưòi chủ tàu đã tìm hết chuyên gia này đến chuyên gia khác nhưng không ai biết cách sửa.

Rồi họ đưa tới một ông già, người biết sửa chữa tàu thuyền từ khi còn là một đứa bé. Ông ta mang theo một túi đồ nghề và khi đến, ông lập tức bắt tay vào làm việc. Ông xem xét kỹ chiếc thuyền từ đầu đến cuối.

Hai người chủ tàu đứng đó, quan sát người đàn ông, hy vọng ông ta biết phải làm gì.

Sau khi kiểm tra mọi thứ, ông ta lấy túi đồ nghề và rút ra một cái búa nhỏ. Ông cẩn thận gõ nhẹ vào một cái gì đó. Ngay lập tức, động cơ hoạt động trở lại. Ông cất búa đi. Động cơ đã được sửa xong!

Một tuần sau, những người chủ tàu nhận được hoá đơn thanh toán giá 10.000 đô-la!

“Cái gì?”, chủ tàu thốt lến, “Ông ta hầu như chẳng phải làm gì cả!”. Họ gửi cho ông một tin nhắn, “Làm ơn cho chúng tôi xem hoá đơn chi tiết.”

Và, họ nhận lại hoá đơn ghi:

Đập búa : 2 đô-la
Tìm ra nơi cần đập: 9.998 đô-la

Nỗ lực là quan trọng. Nhưng biết đặt những nỗ lực của mình vào đúng chỗ, điều đó mới thực sự thay đổi cuộc sống của bạn.

Viết ra cụ thể khó khăn - phương cách để giải quyết khó khăn

"Viết ra được một cách cụ thể khó khăn của mình là đi được một nửa chặng đường giải quyết khó khăn."

Tôi sẽ chứng minh câu nói này bằng một câu chuyện có thật do ông Galen Litchfield, một trong những nhà doanh nghiệp thành công nhất ở miền Tây Mỹ, kể cho tôi nghe. Tôi quen ông từ lâu. Năm 1942, ông đang ở Trung Hoa khi quân Nhật chiếm Thượng Hải.

Ông kể: "Ít lâu sau khi Nhật chiếm Trân Châu Cảng, chúng ùa vào Thượng Hải. Hồi ấy tôi làm giám đốc một công ty bảo hiểm nhân mạng ở đó. Chúng phái một "Thanh tra quân sự" tới công ty của tôi. Tên này là một đô đốc - và ra lệnh cho tôi giúp đỡ võ quan đó trong khi thanh tra tài sản của công ty. Tôi không có quyền từ chối. Tôi phải hợp tác nếu không...mà "nếu không" nghĩa là chết chắc chắn.

Không còn cách nào khác, tôi đành tỏ vẻ làm đúng chỉ thị của chúng. Nhưng tôi không kê vào trong bảng thống kê một số tiền ký quỹ trị giá 750.000 đô la vì tôi nghĩ số tiền ký quỹ đó thuộc về chi nhánh ở Hồng Kông, không liên quan gì tới tài sản của công ty ở Thượng Hải. Mặc dầu vậy tôi cũng lo rằng nếu tụi Nhật tìm ra thì tôi sẽ khốn đốn với chúng chứ chẳng chơi. Và quả thật chúng thấy liền.

Khi chúng khám phá ra điều ấy thì tôi không có mặt tại văn phòng. Chúng gặp nhân viên kế toán của tôi. Người này kể lại với tôi rằng đô đốc nổi cơn tam bành lên, giậm chân chửi thề, bảo tôi là quân ăn trộm, quân phản nghịch, rằng tôi đã cả gan khiêu khích quân đội Thiên hoàng!

Tôi hiểu như vậy nghĩa là gì rồi. Tôi sẽ bị giam vào "nhà giam" của chúng. Nhà giam! Tức là phòng hành tội của quân đội Nhật Bản! Bạn bè của tôi có nhiều người chẳng thà tự tử chứ không chịu bị giam trong đó. Còn những bạn khác thì chết ở đấy sau mười ngày tra tấn. Mà bây giờ chúng đã sắp nhốt tôi vô cái ngục hiểm độc kia!

Tôi làm gì lúc ấy! Tôi hay tin chiều Thứ Bảy. Chắc chắn là tôi đã chết điếng. Và tôi đã chết điếng thật, nếu không có sắn một phương pháp nhất định để giải quyết những nỗi khó khăn. Từ lâu rồi mỗi lần gặp nỗi lo lắng gì thì luôn luôn tôi lại bàn đánh máy, đánh hai câu hỏi sau nầy, rồi đánh luôn những câu trả lời nữa:

1. Tôi lo cái gì đây?

2. Làm sao tránh được bây giờ?

Trước kia tôi thường trả lời miệng mà không chép lên giấy, nhưng từ lâu tôi bỏ thói quen ấy vì nhận thấy rằng chép những câu hỏi và trả lời lên giấy làm cho óc tôi sáng suốt hơn.

Vào chiều Chủ Nhật đó, tôi vào thẳng trong phòng tôi, tại hội các Thanh niên theo Thiên chúa giáo ở Thượng Hải, lấy máy đánh chữ ra đánh:

1. Tôi lo cái gì đây?

Lo sáng mai sẽ bị nhốt vào "nhà giam".

Rồi tôi lại đánh câu hỏi thứ hai:

2. Làm sao tránh được bây giờ?

Tôi suy nghĩ hàng giờ rồi chép lại bốn hành động mà tôi có thể làm được và những kết quả có thể xảy ra của mỗi hành động ấy.

1. Tôi có thể giảng cho viên đô đốc Nhật. Nhưng y không nói tiếng Anh. Dùng một người phiên dịch để cố giảng cho y thì chỉ làm cho y thêm nổi giận và có thể đưa tôi đến chỗ chết được, vì y tính vốn độc ác lắm, sẽ không cho tôi giảng giải gì hết mà giam ngay tôi vào "nhà giam".

2. Có thể kiếm cách trốn được không? Không. Chúng luôn luôn rình tôi. Nếu bỏ phòng của tôi ở hội Thanh niên theo Thiên chúa giáo mà đi chắc bị bắt và bị đem bắn liền.

3. Tôi có thể ở lì trong phòng này mà không lại hãng nữa. nhưng làm vậy viên đô đốc Nhật sẽ ngờ vực, sẽ cho lính lại bắt và giam tôi ngay vào "nhà giam" không cho tôi nói tới nửa lời.

4. Sáng Thứ Hai, tôi có thể vẫn đi làm ở công ty như thường lệ. Như vậy có thể gặp được dịp may là viên đô đốc Nhật bận việc quá sẽ quên điều tôi đã làm. mà nếu y nghĩ tới thì có thể rằng y đã bớt giận không la ó quát tháo nữa. Được vậy thì tốt lắm, còn rủi y có quát tháo thì tôi cũng có dịp để cố giảng giải cho y. Vậy sáng Thứ Hai cứ xuống hãng như thường lệ, và cứ hành động như không có gì xảy ra thì còn có hai dịp may để khỏi bị nhốt vào "nhà giam".

Nghĩ vậy và quyết định theo kế thứ tư rồi - nghĩa là sáng Thứ Hai cứ đến công ty như thường lệ - tức thì tôi thấy vô cùng nhẹ nhàng thư thái.

Sáng hôm sau, khi tôi đến công ty, viên đô đốc Nhật đã ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc. Y ngó tôi trừng trừng như mọi lần, nhưng không nói gì hết. Và nhờ Trời phù hộ, sáu tháng sau y trở về Tokyo, thế là hết lo.

Như tôi đã nói, lần đó tôi thoát chết có lẽ nhờ chiều Chủ Nhật tôi đã ngồi viết ra những hành động có thể làm được cùng những kết quả có thể xảy ra của mỗi hành động.

Do đó tôi đã có được bình tĩnh để quyết định. Nếu không thì có lẽ tôi đã vùng vẫy, do dự để rồi đâm quàng đâm xiên dưới sức xô đẩy của tình thế. Nếu tôi đã không suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định thì có lẽ tôi đã cuồng loạn vì lo sợ cả buổi chiều Chủ Nhật, mất ngủ đêm đó, và sáng Thứ Hai, xuống hãng, mặt mũi bơ phờ hoảng sợ. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm cho viên đô đốc Nhật nghi ngờ và tra khảo tôi rồi.

Đã kinh nghiệm nhiều lần, tôi thấy rằng việc đi đến một quyết định là một điều rất quan trọng. Chính sự không có lấy một mục đích nhất định, sự chạy loanh quanh hoài, như điên khùng nó sinh ra bệnh thần kinh suy nhược và biến đổi đời sống của ta thành một cảnh địa ngục.

Tôi nghiệm 50 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tiêu tan đi, khi tôi quyết định một cách chắc chắn, rõ ràng và khi tôi thi hành quyết định đó thì 40 phần trăm nữa cũng biến mất.

Vậy tôi chỉ cần làm bốn công việc nầy là khoảng 90 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tiêu tan hết:

1. Viết rõ ràng lên giấy những nỗi lo của tôi.

2. Viết lên giấy những giải pháp có thể thi hành.

3. Chọn lấy một giải pháp.

4. Bắt đầu thi hành ngay quyết định ấy.

Galen Litchfield hiện nay là một trong những nhà doanh nghiệp Mỹ lớn nhất ở châu Á. Ông thú nhận với tôi rằng ông thành công, một phần lớn là nhờ ông biết phân tích những vấn đề khó khăn của ông rồi quả quyết hành động ngay lập tức.

6 lời khuyên để giải quyết công việc hàng ngày một cách hiệu quả

 

Bạn đến văn phòng và chán nản khi thấy nhiều công việc ngập đầu đang chờ bạn? Bạn phải giải quyết cùng một lúc nhiều công việc và đang hoang mang không biết bắt đầu từ đâu? Bài viết sau đây cho bạn những lời khuyên giúp giải quyết công việc hàng ngày một cách hiệu quả và với một tâm trạng bình tĩnh hơn. Những lời khuyên này chủ yếu dành cho các bạn đang đi làm nhưng các bạn sinh viên hay các bạn nội trợ cũng có thể áp dụng trong công việc học tập hay trong việc nhà hàng ngày của mình. Trước khi bắt tay vào giải quyết công việc
Lời khuyên 1: Viết ra những công việc cụ thể cần làm trong ngày
Sau khi đến văn phòng để bắt đầu một ngày làm việc mới, việc đầu tiên là bạn nên ghi ra cụ thể những công việc cần làm trong ngày. Ban có thể ghi ra những công việc này trên giấy sticker và dán trên bàn làm việc của mình. Ghi ra cụ thể những công việc cần làm sẽ giúp bạn: (1) hình dung ra được cụ thể (chứ không phải là mơ hồ) về khối lượng công việc cần làm trong ngày từ đó sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để giải quyết công việc và (2) tránh được việc quên hay bỏ sót công việc.
Lời khuyên 2: Tách công việc lớn và phức tạp ra thành nhiều công việc nhỏ và dễ thực hiện
Khi ghi ra công việc cần làm, bạn nên ghi một cách cụ thể các công việc cần làm, càng cụ thể càng tốt. Đừng nên ghi chung chung như: “Làm việc với tất cả các khách hàng” mà hãy ghi cụ thể “1. Làm việc với khách hàng A”, “2. Làm việc với khách hàng B”.
Nếu phải giải quyết một công việc lớn và phức tạp thì bạn nên chia công việc đó ra thành nhiều công việc nhỏ và dễ thực hiện. Ví dụ nếu giám đốc của bạn yêu cầu bạn viết một báo cáo dài 20 trang về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty A thì bạn có thể chia tách ra thành những công việc nhỏ sau đây để dễ thực hiện:
1. Đọc các báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty A và ghi lại những điểm cần lưu ý, những thông tin thu thập được qua các báo cáo.
2. Gặp và thảo luận với giám đốc Công ty A (và các phòng ban có liên quan) về những thông tin thu thập được qua các báo cáo.
3. Viết báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty A.
Trong mỗi công việc ở trên bạn có thể tiếp tục chia tách ra thành những công việc nhỏ hơn. Ví dụ bạn có thể chia tách việc viết báo cáo ra thành các việc: (1) viết phần mở đầu, (2) viết phần nội dung và (3) viết phần kết luận.
Bắt đầu công việc từ đâu?
Lời khuyên 3: Bắt đầu từ những công việc dễ
Nhiều người bắt đầu một ngày làm việc bằng việc giải quyết những công việc khó để rồi chán nản và hoang mang khi gặp khó khăn trong lúc giải quyết những công việc khó này. Trí óc của chúng ta cũng như một cỗ máy, nó thường bắt đầu một cách ì ạch và chỉ được “khởi động” hay “hâm nóng” lại sau một khoảng thời gian làm việc. Như vậy, để khởi động bạn nên bắt đầu từ công việc dễ và chuyển dần sang những công việc khó. Như vậy, khi trí óc bạn đã đi vào guồng máy hoạt động trơn tru thì cũng chính là lúc bạn giải quyết những công việc khó dần.
Một lợi ích khác của việc giải quyết công việc từ dễ đến khó là sau khi hoàn thành những công việc dễ bạn sẽ dần dần tăng thêm lòng tự tin và sự phấn khởi làm việc trong bạn. Và với sự tự tin và phấn chấn được tích lũy dần trong khi bạn làm những công việc dễ, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi giải quyết công việc khó.
Lời khuyên 4: Bắt đầu từ những công việc khẩn cấp
Bạn nên dành thời gian để giải quyết những việc khẩn cấp trước. Những công việc không khẩn cấp bạn nên để sau. Ví dụ nếu bạn cần thiết phải gọi điện cho ai đó thông báo về một việc quan trọng thì ban nên sắp xếp thời gian goi điện ngay trước khi làm các việc khác. Lợi ích của việc giải quyết những công việc khẩn cấp trước là nó sẽ mang lại cho bạn sự bình tình và thanh thản trong tâm hồn để làm việc. Bạn sẽ không phải lo âu hay áy náy về một công việc khẩn cấp chưa giải quyết.
Trong khi giải quyết công việc
Lời khuyên 5: Giải quyết dứt điểm từng công việc
Tại một thời điểm bạn nên tập trung vào giải quyết một và chỉ một công việc mà thôi. Hãy dành toàn bộ sự tập trung cho công việc bạn đang giải quyết và tạm thời quên đi các công việc khác. Đừng lo âu, đừng bồn chồn về các công việc khác. Cho dù các công việc khác có nhiều bao nhiêu thì chúng chỉ được hoàn thành khi bạn từng bước, từng bước hoàn thành từng công việc.
Lợi ích của việc giải quyết dứt điểm từng công việc là bạn sẽ cảm thấy vui hơn và tự tin hơn sau khi hoàn thành mỗi công việc. Càng để dở dang nhiều công việc chưa hoàn thành càng làm cho bạn cảm thấy bồn chồn lo lắng, và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng làm việc và chất lượng công việc của bạn.
Tất nhiên, nếu vì một lý do nào đó bạn không thể hoàn thành dứt điểm một công việc (ví dụ chưa có đủ dữ liệu hoàn thành một báo cáo), thì bạn có thể giải quyết một công việc khác trong khi chờ đợi và quay trở lại hoàn thành công việc đó khi có điều kiện.
Sau khi giải quyết xong công việc
Lời khuyên 6: Hãy tự thưởng cho mình sau khi hoàn thành mỗi công việc
Sau khi hoàn thành mỗi công việc nho nhỏ bạn nên tự thưởng cho mình dưới một hình thức nào đó. Bạn có thể đi uống một tách trà hay nghe một bản nhạc trước khi quay trở lại tiếp tục giải quyết công việc khác (tất nhiên là bạn không nên nghe hết cả một đĩa nhạc rồi mới quay lại làm việc :-). Lợi ích của việc làm này là bạn tự tạo ra một động lực cho bản thân để phấn đấu hoàn thành công việc. 
Sau khi hoàn thành một công việc tôi vẫn thường lấy bút gạch đi công việc trong danh sách công việc mà tôi dán trên bàn làm việc của mình. Tôi còn ghi bên cạnh công việc hoàn thành 2 chữ “hoàn thành”. Mỗi lần làm như vậy tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc mênh mông. Càng có nhiều từ “hoàn thành” được ghi trong danh sách công việc như vậy, tôi càng tiến dần đến mốc hoàn thành tất cả công việc trong ngày. Bạn cũng có thể làm như vậy phải không? Chúc bạn giải quyết các công việc hàng ngày một cách hiệu quả.