Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Điều chình sự Giận dữ

Vài năm trước, một thành viên Ban giám đốc khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn 2 triệu đôla. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn dầu lửa này.

Vào cái ngày đen tối khi mà tin tức khủng khiếp về sự thiệt hại trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên công ty và các thành viên Ban giám đốc đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.

Chỉ trừ có một người, đó chính là người đã đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford và Bedford đã đến rất đúng giờ. Ông ta đã sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ Rockefeller.

Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn và đang cắm cúi viết lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng không muốn quấy rầy. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.

- À, anh đấy hả, Bedford?- Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin về tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?

Bedford đáp:

- Vâng, tôi đã biết.

- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này - Rockefeller nói - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra tờ giấy này vài dòng.

Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau:

Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã "viết vài dòng" là: "Những ưu điểm của Bedford". Trong tờ giấy đó liệt kê một loạt những đức tính tốt của tôi, kèm theo là mô tả vắn tắt về việc tôi đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn được 3 lần và giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất 2 triệu đô la lần này.

Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể.

Khi tôi viết xong bản danh sách đó thì thường tôi cũng thấy bớt tức giận rồi.

Không biết là thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm tôi có thể có: đó là nổi cáu một cách mù quáng với người khác.

Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi muốn giới thiệu nó cho tất cả các bạn.

Lời nói chẳng động tâm ta


Lời nói chẳng động tâm ta
Dù lời nói ngọt hay là khó nghe

Một lời nói lăng mạ, xỉ nhục chẳng thể nào động đến tâm ta được. Vì sao? Vì ta biết mình là ai, ta biết ưu khuyết điểm của mình. Nếu là lời nói đúng thì hiển nhiên tự ta sẽ cảm thấy xấu hổ với lương tâm mình. Nhưng nếu là lời nói sai thì chẳng thể nào động đến cái tâm thanh thản của ta được.

Giả sử khi ta đi dự tiệc, lúc ra về chủ nhà gói quà biếu tặng ta. Nhưng nếu ta không nhận thì hiển nhiên chủ nhà phải giữ lại món quà đó. Cũng vậy, người đời đôi khi tặng ta lời khen tiếng chê. Nhưng nếu ta không nhận thì họ sẽ vẫn phải “giữ lại” những lời nói đó. Nếu ta không nhận thì những lời nói đó làm sao đi vào tâm ta được. Và ta sẽ vẫn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn.

Chấp nhặt người khác từng câu nói làm gì cho mệt cái tinh thần và thân xác ta ra. Hãy để cho kẻ nói ra những lời chỉ trích, lăng mạ vô căn cứ phải “giữ lại” lời của nó.

Hành động mà không động đến ta thì đã là quá tốt rồi huống chi chỉ là một lời nói. Lời nói thì nhằm nhò gì. Lời nói thì ảnh hưởng gì tới ta. Lời nói nông nổi, lời nói dại dột làm sao động đến tâm ta được.

Nghệ thuật "dập lửa" khi tranh cãi

Kiểu cãi cọ theo hình thức cứ gân cổ lên cho mình là đúng, người khác là sai mà không đi đến biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề, là điều thường thấy ở những cặp bạn trẻ, lứa tuổi mà các nhà tâm lý nhận xét là “hiếu thắng và nông nổi”.
Đấy là nhận định của GS Sybil Carere tại ĐH Washington (Mỹ). Ông lưu ý các bạn trẻ cần nhận ra và tránh những điều sau:

1. Giữ cơn tức giận, rồi bất thần xổ tung ra vào một dịp khác. Nhiều người không “nuốt trôi cục giận” mà găm giữ, “ngâm trong bụng”, còn bề ngoài tỏ ra bình thản, chịu đựng. Hành động kiểu này khiến người kia tưởng rằng họ đã nhận thức được sai trái, hoặc đã “ngậm bò hòn làm ngọt” để giữ hòa khí. Thế nhưng, ngày khác, trong một cuộc cãi cọ kịch liệt nào đó, những “cục giận” sẽ được xổ tung ào ạt, không kiềm chế nổi. Lúc này, câu chuyện trở nên không kiểm soát nổi.

Giải pháp xử lý: Nếu như một trong hai người có khuynh hướng né tránh các cuộc xung đột, hãy lên kế hoạch dành một “lịch” định kỳ để gợi mở lại tất cả những gì đã làm các bạn đau đầu trong thời gian qua.

2. Làm quan tòa kết tội. Đó là trường hợp khi một trong hai người cố né tránh xung đột thì người kia lại xung thiên nộ khí, trở thành quan tòa tra vấn, hạch sách, kết tội.

Giải pháp: Người hay né tránh bằng cách im lặng nên học cách “phát ngôn”. Còn người hay “kết tội” nên thay đổi lối diễn đạt. Ví dụ, thay vì đay nghiến: “Cái tivi chết tiệt đó có cái gì hay ho đâu mà vừa đi làm về đến nhà là ông đã ôm riết lấy nó, bỏ mặc mẹ con tôi sống chết thế nào cũng mặc kệ?”, có thể nói: “Anh ơi, thằng cu Tý nãy giờ cứ ngóng mãi bố về để giảng bài cho nó đấy”.

3. Quá phóng đại sự việc. Luôn trầm trọng hóa vấn đề, phóng đại sự việc khiến đối phương tức giận.

Giải pháp: Nếu giữa lúc cãi nhau mà bạn đưa ra được một câu đùa vui làm cả hai cùng giảm stress thì đừng ngần ngại trong việc chia sẻ nó. Một nụ cười (dù vẫn còn hơi ấm ức trong bụng) sẽ làm tình hình lắng dịu ngay.

4. Phải chiến thắng bằng mọi cách. Khi bạn tập trung mọi nỗ lực để đè bẹp đối tượng và chứng tỏ mình là người chiến thắng, là luôn luôn đúng, bạn đã không đặt mối quan hệ tình cảm của hai người lên hàng đầu.

Giải pháp: Hãy dẹp bỏ cái tôi ra một bên và đặt cái “chúng ta” lên trên hết. Mục tiêu của bạn là phải tìm ra sự thỏa hiệp làm cả hai cùng hài lòng, cùng chiến thắng. Thay vì móc mỉa, phủ nhận lý luận của đối phương, hãy thử khám phá xem cô ấy (anh ấy) suy nghĩ như thế nào, rồi đặt câu hỏi: “Làm cách gì để có một giải pháp mà cả anh và em đều đồng ý?”.

5. Không biểu đạt tình yêu ra ngoài. Dĩ nhiên khó mà biểu hiện được tình yêu trong khi bạn đang lên cơn giận dữ. Nhưng nếu như làm được điều đó, bạn sẽ chứng tỏ được rằng tình yêu của bạn dành cho người yêu hay vợ (chồng) còn mạnh mẽ hơn những chuyện cãi cọ vặt vãnh đó.

Giải pháp: Dùng những từ yêu thương và làm sáng tỏ vấn đề, rằng dù rất giận nhau, nhưng yêu nhau vẫn là điều quan trọng hơn. Sự âu yếm, dỗ dành rất có ích, ngay cả trong cơn nóng giận.

6. Luôn luôn thủ thế. Khi bạn thốt ra những câu đại loại như: “ừ, tôi như vậy đấy, rồi sao?” thì đấy là dấu hiệu cho thấy bạn đã đóng sập cánh cửa giao tiếp đối với người bạn đời.

Giải pháp: Hãy nói, hãy mở rộng cõi lòng nếu một trong hai người có dấu hiệu thủ thế. Hãy để đầu óc thư giãn một chút, thở sâu lấy lại sự cân bằng.

7. Thái độ tàn nhẫn, hằn thù. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nhận được những câu nói đau đớn như nhát dao đâm vào trong tim. Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn ngôn từ mỗi khi mở miệng. Bạn có thể chọn cách xé nát mối quan hệ bằng những ngôn từ độc ác, vô tâm, hoặc có thể nuôi dưỡng, chăm sóc mối quan hệ bằng những từ nghiêm nghị, nhưng tràn đầy tính xây dựng và yêu thương.

Giải pháp: Trước khi bạn sẵn sàng tung ra một chuỗi những từ xấu xa, châm chích, coi thường, hãy tự hỏi bản thân: “Liệu tôi có dám dùng những từ tương tự với bạn thân hay với sếp không? Vậy tại sao chồng (vợ) là những người đầu gối, tay ấp thân thương vô cùng với tôi lại phải chịu sự bất công quá đỗi như vậy?”.

Chiếc thuyền không người lái

Bài sưu tầm
Nguồn: Cái dũng của thánh nhân - Nguyễn Duy Cần
Người sưu tầm: huuhung
Lời giới thiệu:

Nội dung:

Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người lái từ đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận.

Giả sử trên thuyền có người lái, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, chu chéo, một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.

Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, lúc sau lại giận là tại làm sao?

- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.

Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.


Bình luận của Nguyễn Duy Cần:

Tôi thường tự hỏi: “Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận?”. Phần đông sẽ nói: “Vì người đánh ta, nên ta giận."

Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, ta có còn giận người ấy nữa không?

Chắc hẳn là không nếu ta là người biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ.

Cùng một việc xảy đến với ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi ta lại bực tức nóng giận. Tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng? Tôi không thấy tại nơi ngoại vật chỗ nào cả.

Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi.

Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan...

Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái, lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét